Người giáo viên đã từng hướng dẫn thành công trẻ khuyết tật học hòa nhập

Khi nói đến vấn đề dạy học sinh khuyết tật hòa nhập ở trường Tiểu học đó là một điều rất khó khăn đối với mỗi cán bộ giáo viên. Ngoài việc yêu thương, hy sinh, người giáo viên cần phải có tấm lòng nhân hậu mới có thể dạy được những em học sinh đặc biệt này.

    

   Khi nói đến vấn đề dạy học sinh khuyết tật hòa nhập ở trường Tiểu học đó là một điều rất khó khăn đối với mỗi cán bộ giáo viên. Ngoài việc yêu thương, hy sinh, người giáo viên cần phải có tấm lòng nhân hậu mới có thể dạy được những em học sinh đặc biệt này.

   Là giáo viên công tác trên 30 năm trong ngành Giáo dục của huyện nhà. Cô giáo đã dạy rất nhiều học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, rối loạn cảm xúc vì hoàn cảnh gia đình,… Thế nhưng, với tình yêu thương, tận tụy với công việc, cô giáo đã hướng các em cũng viết được, đọc được, tính toán được ở mức đơn giản, đã hòa nhập được với tập thể lớp, đã hoàn thành được chương trình lớp học.

   Trong năm học 2017 – 2018 lớp cô Nguyễn Thị Dư chủ nhiệm có trường hợp khuyết tật đặc biệt dạng “khiếm thính bẩm sinh” nên việc nghe, nói rất khó khăn. Đó là em Tô Thị Mỹ Duyên. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của em, được biết cha mẹ làm nông thu nhập không ổn định nên ít có thời gian quan tâm đến em. Chính vì vậy, em Duyên có lúc thì ngồi im hoặc ngủ, có lúc thì cau có, gây gỗ với bạn bè, xa lánh bạn bè, lúc khóc, lúc cười,…Chính vì thế, là giáo viên, không những cô giáo Nguyễn Thị Dư mà cả tập thể tổ 4 & 5 và Ban giám hiệu nhà trường luôn trăn trở.Và đó cũng chính là vấn đề không phải một sớm một chiều có được kết quả tốt mà phải cần trải qua một quá trình dài. Trước thực tế đó, cô giáo trăn trở, suy nghĩ để đưa ra những giải pháp phù hợp với trường hợp của em Tô Thị Mỹ Duyên, hiện đang học lớp 4B Trường Tiểu học số 1 Mỹ Lợi.

Trước tiên, cô giáo trao đổi với tập thể giáo viên trong khối, phối hợp với phụ huynh học sinh và sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường để có biện pháp giúp đỡ em Duyên:

  • Mọi người hiểu rằng học sinh bị khuyết tật luôn cần sự thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè.
  • Dành thời gian gần gũi, thương yêu, chỉ dạy từng li, từng tí từ cách ngồi, cách cầm bút, cách nói,…
  • Hiểu được tâm lý của em, cùng học, cùng chơi với em.
  • Động viên, khen nhiều và thật nhiều bằng lời nói, hành động thương yêu. Trong lòng cô giáo khi áp dụng biện pháp trên chỉ mong sao cho em Duyên biết được những thứ đơn giản nhất, biết nói điều mình muốn nói (thể hiện, hành động).

   Các bạn trong lớp cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp đỡ bạn Duyên hoạt động nhóm.

   Thế rồi, một học kỳ đã trôi qua, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo Nguyễn Thị Dư, sự động viên của tất cả giáo viên bộ môn và bạn bè trong lớp, em Duyên đã tiến bộ nhiều, đã hòa đồng cùng các bạn trong lớp. Không còn cau có, khóc lóc, phá vở sách, hét la bạn bè,...Em đã biết viết, biết vỗ tay khi trong lớp có bạn được cô giáo khen, biết chào cô, biết nói một hai tiếng dù không được rõ lắm. Ngoài ra, em còn biết đọc số từ 0 đến 20 rồi 25,… Em còn biết tập thể dục, biết nhìn bạn múa rồi làm theo,…Cô cũng không còn nghe các giáo viên bộ môn phàn nàn về em nữa, thay vào đó là những lời khen rằng em đã biết ngồi học đàng hoàng và lại còn ghi chép bài đầy đủ.

  Tuy nhiên, cô tự nhủ rằng, cả cô và em đang còn phải cố gắng rất nhiều, rất nhiều nữa.

   Sự tiến bộ của em Duyên là “Hạnh phúc vô bờ bến” của cô giáo chủ nhiệm, giáo viên trong khối cùng Ban giám hiệu nhà trường và gia đình em.

   Tôi nghĩ cho dù các em khuyết tật ở mọi trường hợp, nếu người thầy có nội dung giảng dạy hợp lý, phương pháp giảng dạy thích hợp  và ta thương yêu, gần gũi, giúp đỡ thì chắc chắn các em đều tiến bộ dù nhiều hay ít.

  Từ câu chuyện của cô giáo Dư, mong rằng quý thầy cô giáo cùng các cấp lãnh đạo về giáo dục cần có cách nhìn nhận đúng đắn về học sinh khuyết tật, để từ đó có những giải pháp thích hợp, tránh làm tổn thương và thiệt thòi đối với học sinh khuyết tật, mang lại hiệu quả cao cho giáo dục.

Tác giả bài viết: Võ Thị Vân